Như vậy, lần đầu tiên giải thưởng danh giá nhất của toán học thế giới, thường được ví như giải Nobel, được trao cho phụ nữ trong lịch sử 80 năm của mình.
GS Maryam Mirzakhani
Giáo sư Mirzakhani, chuyên gia nghiên cứu hình học về hình dạng khác thường, đã tìm ra phương pháp mới giúp tính toán khối lượng và thể tích của những vật có các mặt cong hyperbol, ví dụ như yên ngựa. Công trình nghiên cứu của bà, chủ yếu về lý thuyết, có thể được áp dụng vào các lĩnh vực vật lý và lý thuyết trường lượng tử.
Tại lễ trao giải diễn ra trọng thể ở Seoul sáng 13-8, Mirzakhani đã vinh dự nhận Huy chương Fields từ tay Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye.
Thành công của Mirzhakhani, 37 tuổi, hiện là giáo sư ở ĐH Stanford, ngay lập tức nhận được lời ca ngợi từ các đồng nghiệp.
“Tôi xúc động vì ngày này cuối cùng đã tới,” Sir Tim Gowers, nhà toán học tại ĐH Cambridge, từng giành Huy chương Fields, nói với The Guardian. “Mặc dù lâu nay phụ nữ đã có những đóng góp ở mức cao nhất cho toán học nhưng điều này không được công chúng biết đến rộng rãi. Tôi hy vọng rằng, sự xuất hiện của một phụ nữ giành Huy chương Fields, chắc chắn là người đầu tiên trong số nhiều người tiếp theo, giúp chấm dứt những nghi ngờ về năng lực của phụ nữ trong toán học, khuyến khích thêm nhiều cô gái trẻ nghĩ về việc nghiên cứu toán học như một nghề mà họ có thể làm được.”
Christiane Rousse, Phó chủ tịch Hiệp hội Toán học quốc tế, cho biết: “Đó là một khoảnh khắc phi thường. Marie-Curie đã giành giải Nobel về vật lý và hóa học từ hồi đầu thế kỷ 20, nhưng trong toán học thì đây mới là lần đầu tiên, chúng ta có một phụ nữ giành giải thưởng danh giá nhất. Đây là sự vinh danh phụ nữ.”
Sinh ra và lớn lên ở Iran, Mirzakhani hoàn thành học vị tiến sỹ ở ĐH Harvard vào năm 2004. Con đường tiến vào toán học của cô không bắt đầu từ sớm. Khi còn nhỏ, cô say mê văn học chứ không phải những con số. Trường của cô ở Tehran ở gần một con phố có rất nhiều tiệm sách sách và bởi vì việc đọc “chùa” không được phép nên cô phải mua rất nhiều sách một cách ngẫu nhiên. “Tôi từng mơ trở thành một nhà văn,” cô kể trong một cuộc trả lời phỏng vấn dành cho ĐH Oxford vào năm 2008. “Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ theo đuổi toán học trước khi tôi bước vào trung học.”
Anh trai của Mirzakhani đã hướng cô quan tâm đến khoa học. Anh kể cho cô nghe câu chuyện về nhà toán học Đức Carl Friedrich Gauss. Những năm học trung học, Mirzakhani đã tham gia các kỳ Olympic Toán học quốc tế và giành HCV vào các năm 1994 và 1995. Sau khi tốt nghiệp ĐH Sharif, cô đến ĐH Harvard và được làm việc với một nhà toán học từng giành Huy chương Fields, Curt McMullen, và hết sức say mê phong cách làm cho toán học trở nên đơn giản và tao nhã của ông.
Từ năm 2004 đến 2008, cô được nhận học bổng của Viện Toán học Clay và làm phó giáo sư(assistant professor) tại ĐH Princeton. Năm 2008, cô trở thành giáo sư toán học tại ĐH Stanford, nơi cô hiện sống cùng chồng và con gái ba tuổi.
Ngoài Mirzakhani, Huy chương Fields năm nay còn được trao cho ba nhà toán học khác: Martin Hairer, 38 tuổi, người Australia, đến từ ĐH Warwick, Anh; Manjul Bhargava, 40 tuổi, người Mỹ gốc Canada, đến từ ĐH Princeton, Mỹ; và Artur Avila, 35 tuổi, người Pháp gốc Brazil, đến từ Viện Toán học Jussieu, Pháp.
Huy chương Fields với phần thưởng trị giá 15.000 đô la Canada được Hiệp hội Toán học quốc tế (Internatioal Mathematical Union) trao bốn năm một lần cho những tài năng xuất chúng ở độ tuổi dưới 40, kể từ năm 1936. Đến nay đã có tất cả 55 nhà toán học nhận Huy chương Fields; trong đó, có nhà toán học Việt Nam Ngô Bảo Châu, người được vinh danh ở kỳ trao giải lần trước.
Theo Tiasang